“Giải cứu nông sản” và câu chuyện ứng xử từ cách dùng câu chữ

“Giải cứu nông sản” từ lâu không chỉ là một phong trào, mà còn là sự sẻ chia, kết nối, đùm bọc và tương trợ. Những gì tốt đẹp chứa đựng trong cụm từ đó, một lần nữa đang đến với các vườn vải đang chín đỏ ở Bắc Giang, giản đơn thôi là vì ở đó, bà con đang kẹt vì giãn cách xã hội. Một cách không mong muốn, từ “giải cứu”mấy ngày qua bỗng dưng trở thành 1 cụm từ gây tranh cãi trên mạng xã hội khi người dân và chính quyền ở đây từ chối dùng từ “giải cứu” vì sợ làm giảm giá trị của loại nông sản đặc biệt này, còn người tham gia “giải cứu” thì bỗng thấy lòng tốt bị tổn thương.

Câu chuyện bắt đầu từ một câu nói của một ông lãnh đạo làm dậy sóng mạng xã hội và một tấm hình chụp lại từ 1 status không rõ nguồn gốc, người đăng status với lời lẽ không mấy lịch sự và thân thiện cho rằng, vì người dân vùng khác “thèm vải” nên Bắc Giang chuyển máy bay vào giải cơn thèm, chứ thực chất vải Bắc Giang không cần “giải cứu”. Sự thật có đúng như vậy không? Và liệu đó có thực sự là suy nghĩ của người dân và chính quyền Bắc Giang không? Không ai biết chính xác. Nhưng hệ luỵ từ đó thì có thể đong đo đếm được, rất nhiều người đã ngưng việc mua vải hỗ trợ người dân Bắc Giang vì cảm thấy bị chạm tự ái. Dưới góc nhìn của FARMING TV, câu chuyện “giải cứu” và tranh cãi có nên dùng từ “giải cứu” cuối cùng cũng chỉ là chuyện ứng xử.

Chính quyền Bắc Giang thực ra không sai khi cho rằng, dùng từ “giải cứu”sẽ làm giảm giá trị của quả vải thiều đặc sản. Quan điểm này rất gần với phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Minh Hoan: “Nông sản không phải là thứ để giải cứu mà đó là sản phẩm để chúng ta nâng niu”. Quả vải thiều, với vị ngon và giá trị dinh dưỡng đặc biệt của mình, đã và đang đến được với những thị trường khó tính như Nhật Bản và Châu Âu và trở thành niềm tự hào cho thương hiệu nông sản Việt. Vì vậy, nếu nông sản ngon, quy trình trồng an toàn thì sẽ vẫn luôn được đánh giá cao và có đầu ra ổn định không chỉ là trong nước mà còn ra quốc tế.

Nhưng đấy là câu chuyện khi chưa có dịch bệnh. Quả vải năm nay chín rộ vào đúng thời điểm dịch bệnh lên đến đỉnh điểm, và Bắc Giang là một tâm dịch mà cả nước chung tay hỗ trợ. Nhân lực và vật lực từ khắp nơi đang đổ về hỗ trợ Bắc Giang, trong đó có cả nỗi lo canh cánh để “giải cứu”vải thiều cho nông dân. Giữa lúc tinh thần hỗ trợ đang lên cao, phát biểu: “Vải thiều Bắc Giang không cần giải cứu” có vẻ như đã không đúng thời điểm. Và sự thiếu khéo léo và tinh tế ấy, đã châm ngòi cho những tranh cãi không đâu.

Vậy người tiêu dùng có “đúng” không khi quay lưng với vải thiều và người dân Bắc Giang chỉ vì một câu nói hay một status chạm tự ái?? Có thể “đúng” về logic tâm lý, nhưng hẳn là chưa công bằng với người nông dân khi chúng ta chấp nhau câu chữ rồi bỗng dưng thành hẹp hòi tấm lòng.  Mỗi người đều có những khó khăn của riêng mình, không riêng gì người nông dân mà mỗi người đều đang đối mặt với một thậm chí là một chuỗi những khó khăn, thách thức, những chướng ngại trong công việc và cuộc sống từ dịch covid 19. Nếu mỗi người đều có cái nhìn khách quan và bao dung hơn, thì không chỉ là vải mà nhiều loại nông sản khác cũng được người tiêu dùng cả nước chung tay hỗ trợ để cùng nhau vượt qua khó khăn. Lúc đó, hẳn là cũng không cần dùng đến từ “giải cứu”.

Chúng ta chấp nhau chi câu chữ, phần thua thiệt lãnh đủ là người nông dân một nắng hai sương, lúc đó liệu có ai vui?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *